top of page
Writer's pictureBlog IABA

Đằng sau sự hào nhoáng của nghề BA

Sau bao nhiêu chia sẻ về nghề BA, các bạn có thấy công việc này “chất” không, “xịn sò” không nào? Nào là làm cầu nối giữa đội Tech team và Business team, nào là phân tích quy trình, phân tích chiến lược, phân tích rủi ro, ngành nghề hot, nhu cầu cao, lương tháng ngàn đô… Thế nhưng, đằng sau sự hào nhoáng đó là những nỗi vất vả nhọc nhằn không phải ai cũng biết. Bài viết sau đây sẽ hé mở một phần nỗi khó khăn từ lời kể của các BA và các đồng team của họ (các developer, tester… ).

* Tiếng gọi nơi hoang dã

Chỉ tình trạng BA kêu gọi, hú hét, gào thét qua các kênh liên lạc, khách không trả lời. Đây là một tình trạng khá phổ biến của các BA ở VN. Nhiều doanh nghiệp có văn hoá “hiện trường”, tức là ai cũng giống như luôn bận rộn ở công trường, công xưởng, không tiện check mail, không check tin nhắn, không nghe điện thoại. Mỗi khi cần trao đổi thông tin, khảo sát yêu cầu, xác nhận hạng mục, BA phải rất vất vả liên hệ. Các công ty sẽ có người làm đầu mối hỗ trợ BA kết nối với nhân sự của họ, thế nhưng họ cũng không thể đảm bảo mọi tiếng gọi của BA đều có lời hồi đáp. Nếu người đầu mối có tâm, có tầm thì được, nếu không, họ cũng sẽ bận rộn với những công việc khác và để BA “chủ động tự bơi”, để rồi “Tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời”.


* Hai vai gánh cả sơn hà

BA là cầu nối giữa Tech team và Business team, BA còn có tên gọi khác là osin. Khách có yêu cầu gì cũng đòi BA, kỹ thuật có câu hỏi gì cũng ới BA. Bình thường không sự cố gì thì không sao, đến khi có chuyện, người bị chửi đầu tiên bao giờ cũng là BA. Do BA để sót thông tin, do BA không hiểu hết quy trình, do BA không hiểu hết về kỹ thuật, do BA làm việc thiếu trách nhiệm… Để bảo vệ mình, BA luôn phải lưu lại biên bản, giấy tờ, tài liệu đầy đủ, thông tin nào BA phát hành chính thức đều là căn cứ để các bên làm việc, cũng như gây lộn nếu có, nên phải thật chuẩn chỉnh. Không cẩn thận, tỉ mỉ, kỹ tính, không thể làm BA.


* Nàng dâu trăm họ

Đại diện cho đội nhà đi khắp nơi gặp gỡ khách hàng, BA cũng là gương mặt đại diện cho công ty. Có lẽ vì vậy mà BA luôn là đối tượng bị các đồng nghiệp, đồng team soi mói, đánh giá hết mức, nhất là các công ty đa quốc gia, đa văn hoá. Các anh dev người Việt vốn thẳng thắn, cần sự chính xác rõ ràng, một là một, hai là hai, và ngoại ngữ không phải thế mạnh của mấy ảnh, thì cực kỳ dị ứng với một BA có background thạc sỹ MBA du học về, tiếng Anh hoa mỹ, ý tứ lớp lang, một lời phát ra hiểu theo ba bốn nghĩa, mấy anh kỹ thuật vừa không hiểu, vừa cãi không lại, rất bực mình. Nhưng từ góc độ của BA, thấy các bạn cũng tội, vì những gì các bạn học và làm đã tạo ra các bạn như vậy, đâu phải các bạn cố tình vậy đâu?


* Một phút lỡ làng, cả làng dính phốt

Có những lúc, sự ngờ vực và thiếu tin tưởng của Tech team với BA trở thành sự thực - BA mắc lỗi, lỗi tưởng như rất nhỏ, không ngờ làm bể cả dự án lớn. Những câu từ trong một đoạn văn rất nhỏ của một tài liệu đặc tả, đi vào một câu code to to của anh developer, thành một chức năng to đùng trong phần mềm, và chức năng đó bị sai từ khâu đặc tả, phải làm lại. Thế là bao nhiêu sức người, sức của đổ ra sông. Công ty chịu thiệt hại trăm tỷ, BA dứt áo ra đi, trách ai vô tình. Với thực trạng nhiều công ty thiếu nhân lực, tuyển BA vô tội vạ, không cần biết có đủ năng lực hay chưa, cứ giáo viên tiếng Anh, người nước ngoài đến du lịch, ai biết ngoại ngữ là tuyển ráo, thì sự cố lớn nhỏ gì cũng có thể xảy ra.


* BA và những hiểu lầm

Với nhiều người ngoài ngành, BA vẫn là một chức vụ mập mờ. Với khách hàng, chủ đầu tư, BA và các kỹ thuật viên nhóm Tech, IT không có gì khác biệt. Lẽ tự nhiên là vấn đề gì họ cũng hỏi BA, kể cả những phần chuyên sâu về kỹ thuật, khiến BA bối rối khi bị bảo “Ủa, bạn là IT mà không biết lập trình sao?” Với các công ty mà ngành chính không phải là phần mềm, nhưng có bộ phận BA chuyên triển khai các hệ thống quản lý nghiệp vụ, BA có khi bị các đồng nghiệp phòng ban khác nhờ sửa máy tính, máy in, sửa… mạng là chuyện bình thường. Họ chỉ biết bạn thuộc phòng IT mà thôi. Trước những hiểu lầm dở khóc dở cười như vậy, BA cần phải giải thích rõ ràng phạm vi công việc của mình. Nhưng kể cả đã giới thiệu bản thân là người “hỗ trợ sự thay đổi bằng cách xác định nhu cầu và đề xuất giải pháp”, khả năng cao là người đối diện vẫn không hiểu BA làm gì.

* Những nỗi buồn không tên

Khi là một thành viên trong nhóm dự án, BA làm việc với PM, developer, tester, data engineer, UX/ UI designer và nhiều anh em kỹ thuật khác. Nếu không có background kỹ thuật, BA sẽ rất khó trở thành một phần của nhóm, không thể nói chuyện với nhóm bằng ngôn ngữ kỹ thuật, không thể trao đổi các vấn đề chuyên môn, không thể hiểu và đồng cảm với những khó khăn thách thức mà các anh em gặp phải. Nhiều anh dev than thở rằng bạn BA trong nhóm chẳng hiểu gì về kỹ thuật, chỉ quăng qua một mớ yêu cầu chung chung, còn nguyên ở dạng ngôn ngữ kinh doanh, kỹ thuật xem chẳng dùng được thông tin gì, hỏi BA thì bạn chỉ nói không phải chuyên môn của bạn, bạn không biết. Anh dev bảo nếu vậy thà liên hệ làm việc trực tiếp với khách cho rồi. Trong tình huống như vậy chắc hẳn BA rất lạc lõng cô đơn.


Trong sự nghiệp, ai rồi cũng phải trải qua nhiều thăng trầm để dày dạn hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Một công việc đòi hỏi cao như BA lại càng có nhiều gian nan, thử thách. Tuy nhu cầu tuyển dụng vị trí này đang cao, nhiều công ty đưa ra mức phúc lợi hấp dẫn và các kênh tìm người tạo ra một ảo tưởng về một công việc dễ dàng, việc nhẹ lương cao, nhưng theo thời gian, sẽ chỉ có những BA có năng lực thực sự, chuyên môn vững vàng, chịu khó học hỏi trau dồi, mới ở lại được lâu dài với nghề.


Dù nghề BA còn mới mẻ, lắm chông gai, nhưng nếu các bạn cố gắng hết sức, để cái tâm mình vào mỗi tác vụ, chịu trách nhiệm với dự án, thì những sự cố kể trên là hoàn toàn có thể phòng tránh và khắc phục được.


Đến đây, chặng đường đầu tiên của IABA đã kết thúc. Bài viết tiếp theo, IABA sẽ gửi đến các bạn vài lời chia sẻ từ chính tác giả.

IABA mang đến từng phần nho nhỏ trong khối kiến thức khổng lồ của BA, dưới dạng các infographic ngắn gọn dễ hiểu, để các bạn nắm bắt thông tin nhanh chóng và có thể áp dụng được vào công việc, cuộc sống của mình!

0 comments

Comments


bottom of page