Sau quá trình triển khai dự án vất vả, đến khi bàn giao xong, có lẽ ai cũng mong muốn mọi việc diễn ra suôn sẻ để được nghỉ ngơi, thư giãn. Thế nhưng chưa, để công trình được đưa vào vận hành thành công và hoàn thành mỹ mãn, cần thêm một công đoạn cuối cùng mà cũng chưa hẳn là kết thúc. Đó là Solution Evaluation - Đánh giá giải pháp. Mọi người thường gọi là Kiểm tra lỗi, Fix lỗi.
ÁP DỤNG THỰC TẾ: Ở sản phẩm nào cũng vậy, để đánh giá xem đã đạt yêu cầu hay chưa, người ta sẽ có một số phương pháp chính. Thứ nhất là đưa vào dùng thử xem hiệu quả, hiệu suất như thế nào, đo các thông số kỹ thuật xem có chấp nhận được không (Measure Solution Performance). Trong phần mềm thì các thông số có thể là thời gian tải trang, xếp hạng tìm kiếm trang, đánh giá sao của người dùng, số lượng các chức năng đáp ứng yêu cầu, kiểm tra chấp nhận UAT...
Thứ hai là đánh giá hạn chế về kỹ thuật của giải pháp, xem những yếu tố nào về công nghệ, hệ thống, máy móc thiết bị, kỹ thuật của người lập trình, lắp đặt, thi công… làm ảnh hưởng đến hiệu quả của giải pháp (Assess Solution Limitations).
Thứ ba là đánh giá hạn chế về nội bộ tổ chức nơi sử dụng giải pháp, xem văn hoá doanh nghiệp, nhân viên, quy trình hiện tại, thói quen của người dùng, bộ phận nào đó không chấp nhận do xung đột lợi ích của họ… có đang là rào cản của công ty Chủ đầu tư không (Assess Enterprise Limitations).
Cần phải xem xét các mặt hạn chế này một cách toàn diện, khách quan để đánh giá hiệu quả của giải pháp một cách chính xác. Có như vậy những người chịu trách nhiệm về tính hiệu quả này, trong đó có BA, mới có thể tìm ra lý do căn nguyên dẫn đến giải pháp của mình hoạt động không như mong đợi, để đề xuất hành động cải thiện, nâng cao giá trị giải pháp (Recommend Actions to Increase Solution Value), bằng cách xử lý tận gốc vấn đề.
Là người phải lường trước các vấn đề ngay từ khi thiết kế giải pháp, BA không thể tránh khỏi có phần trách nhiệm nếu như giải pháp kém hiệu quả. Có thể nói nếu BA làm tốt nhiệm vụ của mình thì đã có thể phòng tránh được, chứ không cần mọi người phải cứu lỗi, chữa lỗi. Trước những tình huống như vậy, BA cần phải vững lòng, tiếp thu ý kiến để tích luỹ thêm kinh nghiệm, và cầu tiến bằng cách nỗ lực khắc phục “hậu quả”.
Đó cũng chỉ là một vài trường hợp hi hữu, còn nếu như BA chăm chỉ học nghề, làm kỹ các khâu trước từ Lập kế hoạch, Quản lý quan hệ phối hợp các bên, Quản lý yêu cầu, Đề xuất chiến lược, Phân tích yêu cầu và Thiết kế giải pháp, thì không cần lo lắng. Chưa kể, nếu giải pháp đã thành công mà BA nhạy bén còn nghĩ ra được cách để doanh nghiệp vận hành tốt hơn nữa, có khi lại mang về dự án mới cho đội có thêm thu nhập chưa biết chừng.
Đánh giá giải pháp là công đoạn quyết định chất lượng của cả dự án, cũng như cả quá trình làm việc trước đó của người BA. Vậy làm sao để thực hiện được phần việc này? Câu hỏi sẽ được giải đáp ở các bài viết sau.
IABA sẽ mang đến từng phần nho nhỏ trong khối kiến thức khổng lồ của BA, dưới dạng các infographic ngắn gọn dễ hiểu, để các bạn nắm bắt thông tin nhanh chóng và có thể áp dụng được vào công việc, cuộc sống của mình!
Comments