Ở bài trước, chúng ta đã đi qua các kỹ năng mềm liên quan đến tư duy Phân tích và Giải quyết vấn đề. Đó là các kỹ năng tương đối thiên về IQ, hay nói như các tiền nhân là cái “tài”. Bác Hồ đã nói “Người có tài mà không có đức là vô dụng!”. Vậy cái đức của BA ở đâu? Bài viết sau đây chính là nói về nhóm kỹ năng làm nên phong thái đàng hoàng tử tế của người làm phân tích nghiệp vụ - Nhóm Behavior Characteristics.
Những ngành nghề cao quý trong xã hội đều có những tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức và cam kết cho những người trong nghề hướng tới. Bác sỹ có lời thề Hippocrates. Kế toán, kiểm toán quốc tế có sự chính trực và trung thực. Tương tự như vậy, BA có các yêu cầu về năng lực bao gồm: Ethics, Personal Accountability, Trustworthiness, Organization and Time Management, và Adaptability. Thông tin về các năng lực này được thể hiện trong infographic bên dưới.
Là người làm dự án, có cam kết về hiệu quả và tiến độ bàn giao, BA phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng chất lượng và thời hạn (Organization and Time Management). Là đầu mối tiếp nhận tất cả thông tin và yêu cầu từ khách hàng, bao gồm cả bí mật kinh doanh, nội bộ tổ chức, tâm sự đời tư (nhiều khách hàng rất dễ xúc động trước sự nhiệt thành của BA :)), người BA cần phải giữ cái tâm trong sáng, không tiết lộ bí mật, để người khác có thể tin tưởng chia sẻ mọi điều cần thiết cho dự án (Trustworthiness). BA cũng phải có đạo đức nghề nghiệp, luôn suy nghĩ cho quyền lợi của khách hàng, người dùng, mọi quyết định đều minh bạch (Ethics). BA phải có trách nhiệm, đã nói là làm, đã làm là đến nơi đến chốn (Personal Accountability). Đứng giữa tâm của dự án luôn biến động trong một môi trường đầy biến động, BA cần khả năng thích nghi cao độ để phù hợp với nhiều văn hoá doanh nghiệp khác nhau, nhiều phương thức giao tiếp khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau (Adaptability).
Thoạt nhìn, những cụm từ này nghe giống như phẩm chất thiên sinh của một thánh nhân, hơn là kỹ năng của con người. Đã là con người thì không ai thực sự hoàn hảo, BA cũng không thể vẹn toàn tất cả công việc của mình. Nhưng những tiêu chí này vẫn là kim chỉ nam tốt đẹp mà chúng ta cần hướng tới, cố gắng phấn đấu. Là một người tử tế không những giúp công việc phân tích nghiệp vụ của BA thuận lợi hơn, được lòng người hơn, mà còn giúp cuộc sống của chúng ta với mọi người trở nên hạnh phúc hơn.
Những kỹ năng này cũng có thể trau dồi như bất cứ kỹ năng nào, và không khó để rèn luyện. Đọc những cuốn sách về phát triển kỹ năng, những tấm gương người nổi tiếng, xem những câu chuyện, những bộ phim về người mà bạn ngưỡng mộ vì nhân cách của họ, hoặc nhìn vào ngay một người thân quen mà bạn cảm thấy có phẩm chất đó, có thể là khởi đầu để học cách cảm nhận và suy nghĩ như một BA thực thụ.
IABA mang đến từng phần nho nhỏ trong khối kiến thức khổng lồ của BA, dưới dạng các infographic ngắn gọn dễ hiểu, để các bạn nắm bắt thông tin nhanh chóng và có thể áp dụng được vào công việc, cuộc sống của mình!
Comments