Lên mạng search “BA (Business Analyst) làm gì” thì thông tin không thiếu, nhưng câu hỏi nhiều bạn băn khoăn nhất vẫn là “Làm BA có hợp với mình không?” và đó cũng là điều khó trả lời (thậm chí với cả chị Google). Công việc nào cũng vậy, yêu thích thôi chưa đủ, chúng ta còn phải phù hợp với nó nữa. Yêu thích rồi, phù hợp rồi, còn phải có duyên, gặp được đúng người đúng lúc đúng chỗ nữa. Phần “duyên”, IABA sẽ chia sẻ sau trong bài viết về cách tìm kiếm cơ hội việc làm BA. Bài này sẽ nói về phần “hợp”, cũng như cách để xác định xem bản thân chúng ta có hợp với một ngành nghề nào đó hay không.
Thực tế, không chỉ các bạn sinh viên, mới ra trường mới băn khoăn về công việc phù hợp với mình, kể cả những bạn đã đi làm cũng có lúc tự hỏi điều này, đặc biệt là khi sắp có thay đổi trong sự nghiệp. Con người chúng ta có xu hướng khó đánh giá được bản thân, khó nhận ra mình là ai. Để người khác đánh giá mình, dù là việc khó chịu, nhưng là điều cần thiết. Đó cũng là lý do mình quyết định thi ECBA khi mới bắt đầu, vì đây là một hình thức nhờ người khác (hội đồng IIBA) đánh giá xem mình có đủ tiêu chuẩn làm fresher BA không. Ngoài ra, mình cũng trò chuyện với các anh chị em đang làm BA, developer, tester… trong các công ty phần mềm, để hiểu hơn về công việc của họ, và xem cách nhìn nhận của họ về dự định làm BA của mình như thế nào.
Nếu các bạn chuẩn bị làm BA, mong bạn có sẵn hoặc gặp được những người bạn tốt trong ngành, những người có thể chào đón bạn và ủng hộ bạn, hoặc có thể nói thật để bạn không tốn thời gian “vác mai đi đào” ở một nơi không phù hợp.
Trước đây, mình cũng từng muốn trở thành marketer, online seller, offline seller, rồi content writer, digital painter,… (và nhiều ước mơ bay bổng khác :))) ). Mình chẳng hỏi ý kiến ai, cứ thấy việc nào ngầu ngầu là thích, tìm chỗ này chỗ kia học, mua tài liệu đọc, xin việc vô làm. Đến khi làm thấy khó, thấy áp lực, mình lại tưởng là do “vạn sự khởi đầu nan”, sau này mới biết đó là vì mình vốn không hợp với tính chất công việc. Có chị đồng nghiệp bảo “em không hợp”, mình lại bướng bỉnh không nghe, cuối cùng vẫn không kiên trì được lâu dài. Đến khi tình cờ được bảo rằng “Tính em hợp làm BA đấy”, mình mới cảnh giác tiến vào, ấy vậy mà lại ổn. Hoá ra cảm giác làm đúng công việc phù hợp với mình lại nhẹ nhõm, thoải mái như vậy.
Đến đây, nếu các bạn cảm thấy ngờ vực không biết mình có hợp làm BA không, thì hãy đọc tiếp. Sau đây là cách giúp bạn xác định hướng đi cũng như chuẩn bị một tâm lý vững vàng:
* Không để hoàn cảnh xô đẩy
Nhiều bạn đến hỏi mình công việc mới thế nào, cũng muốn chuyển sang làm “bên này”, ổn định, thu nhập cao hơn công việc cũ. Đó có thể là thực tế, mình cũng vậy, cũng nhảy việc giữa mùa dịch bệnh rối ren, bao người mất công ăn việc làm. Nhưng dù vậy, chúng ta đừng lấy đó làm lý do “vì không may nên đành phải làm BA”, hay làm gì đi nữa. Chúng ta sẽ vươn lên, sẽ vượt qua, sẽ trở thành người tuyệt vời hơn. Khó khăn này chỉ là tạm thời, là cơ hội để chúng ta thay đổi và thích nghi.
* Không để người lạ chi phối
Tuy rằng người khác có thể nhận xét và đánh giá chúng ta một cách khách quan, đúng đắn, nhưng số người như vậy không nhiều. Không những vậy, bên cạnh đó còn có rất đông “người lạ” - những người không hiểu chúng ta. Họ không tiếp xúc nhiều với bạn, không yêu quý bạn, thậm chí còn ghen tị với bạn. Nếu nghe theo họ, khả năng bạn sẽ hối hận là rất cao. Hơi xấu hổ nhưng mình cũng đã mắc sai lầm đi động viên một cô bé xinh xắn là em ấy hợp với BA lắm, một phần cũng vì lịch sự khi bé hỏi kinh nghiệm mình. Nghĩ lại mới thấy mình còn chưa hỏi người ta mấy năm qua sống thế nào, làm ở đâu, phát ngôn như vậy thật hàm hồ.
* Không chạy theo số đông
Có người nói BA là nghề hot, IT là ngành ngon, thế là người người đổ xô vào học, vào làm IT với BA. Mình có thể cảm nhận độ hot này, nhưng mình nghĩ bắt đầu làm cái gì vì có nhiều người khác đã và đang làm cái đó là một cuộc đầu tư nhiều rủi ro. Thay vì chạy theo đám đông, chúng ta nên tận dụng sự khác biệt của bản thân, có thể là trở thành một non-IT BA cho một lĩnh vực mà bạn đã có kinh nghiệm, hoặc là một sự kết hợp khác chẳng liên quan gì đến BA, nhưng chỉ có bạn với những kinh nghiệm độc đáo của riêng bạn mới làm được. Như vậy, sức cạnh tranh của bạn sẽ cao hơn hẳn.
* Tự đánh giá bản thân một cách khoa học
Chúng ta không nên chủ quan, ảo tưởng sức mạnh, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự test bằng các công cụ có độ chính xác nhất định và đã được công nhận như MBTI, DISC cho tính cách, IELTS, TOEIC cho tiếng Anh, trắc nghiệm kỹ năng mềm LMS, và tất nhiên, ECBA cho năng lực BA v.v… Những bài test này sẽ giúp chúng ta tự đánh giá được xem ASK (thái độ, kỹ năng, kiến thức) của mình có phù hợp với công việc hay không. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể tìm các bài test rút gọn cũng được.
* Nhờ người khác đánh giá giùm
Mình từng thấy một bạn gửi link khảo sát suy nghĩ của mọi người về điểm mạnh, điểm yếu, điểm đáng yêu, đáng ghét của bạn ấy cho rất nhiều người. Đó là một cách hay để biết mình trong mắt người khác trông như thế nào. Chúng ta đều sống và làm việc với nhiều người chứ không phải chỉ có một mình. BA cũng vậy, thậm chí còn là công việc phải giao tiếp nhiều, làm việc nhóm rất nhiều. Dù không cần phải hỏi tất cả mọi người, ít nhất chúng ta cũng nên biết “gu” của dân công nghệ nói chung và các BA giỏi nói riêng, phong cách của họ như thế nào. Nếu có thể hợp tác ăn ý với nhau mà không bị họ… xa lánh thì chứng tỏ bạn hợp với team rồi đấy!
Trên đây là một số gợi ý giúp các bạn có câu trả lời chắc chắn hơn cho câu hỏi “Liệu mình có hợp với nghề BA không?” cũng như áp dụng được cho những vị trí khác. Mong rằng sau khi thực hiện các cách trên, các bạn sẽ tự tin hơn, có động lực mạnh mẽ hơn khi theo đuổi con đường đã chọn. Để mỗi khi có ai hỏi xéo “Cỡ mày cũng đòi làm nghề này à? Nổi không đó?”, chúng ta có thể mạnh dạn đáp lại “Tất nhiên, không làm hơi phí!”
Comments