Nếu như ở chuỗi chủ đề trước, các bài viết về Nghiệp vụ của BA (dựa trên các Knowledge Areas của BABOK) đã trả lời câu hỏi “BA làm gì”, thì tiếp theo đây, series giới thiệu các kỹ thuật áp dụng trong từng tác vụ của BA, sẽ giải đáp câu hỏi “Làm như thế nào”.
Câu hỏi kiểm tra trí nhớ nhanh: Bạn có nhớ nghiệp vụ đầu tiên của BA là gì, gồm những tác vụ nào không? Đó chính là Business Analysis Planning & Monitoring, khi chúng ta sẽ lập kế hoạch tổng thể, kế hoạch phối hợp các bên, kế hoạch quản trị phê duyệt, kế hoạch quản lý thông tin, và kế hoạch nâng cao hiệu quả công việc.
Bây giờ, thử tưởng tượng bạn là một BA vừa tiếp nhận dự án mới. Bạn cần làm những công việc trên. Vậy bạn sẽ làm như thế nào? Theo thói quen và một chút bản năng, có thể chúng ta sẽ mở file excel hay ppt lên, vẽ bảng tiến độ, chia khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến ngày kết thúc dự án ra thành các hạng mục công việc, thế là xong kế hoạch tổng thể.
Tiếp đến, chúng ta sẽ lập list danh sách các thành viên tham gia dự án các bên, họ tên, SĐT, email, chức vụ, vai trò trong dự án, xong kế hoạch phối hợp, có thể thêm một cái lịch họp định kỳ hàng tuần để cập nhật tình hình dự án, nếu có. Còn về việc quản lý thông tin, mình sẽ tạo một cái link trên Google drive hoặc Onedrive và cây thư mục để sau này các file tài liệu lưu vào đây, xong. Việc phê duyệt thì đơn giản, danh sách dự án ghi ai là cấp lãnh đạo cao nhất như Tổng giám đốc hay Giám đốc dự án, thì người đó sẽ ký đóng dấu vào các văn bản giấy tờ. Thế kế hoạch nâng cao hiệu quả công việc thì sao? Cái đó thì… thôi bỏ qua, nếu không ai hỏi thì mình khai hiệu quả công việc mình ra để làm gì.
Đó là sơ lược những gì mọi người thường hình dung về nghiệp vụ lập kế hoạch của BA. Nếu vẫn đảm bảo được hiệu quả dự án, BA hoàn toàn có thể làm như vậy, nhanh chóng và đơn giản. Tuy nhiên, đa số dự án, nhất là những cái lớn và phức tạp, sẽ đòi hỏi BA phải làm từng khâu một cách kỹ lưỡng hơn, sử dụng nhiều kỹ thuật hơn, như tiêu chuẩn của IIBA trong infographic mô tả. Thực tế chúng ta sẽ không cần dùng hết các kỹ thuật này, nhưng việc áp dụng chúng tuỳ theo điều kiện và khả năng cho phép sẽ hỗ trợ rất nhiều cho chất lượng công việc của chúng ta.
Trong một thế giới lý tưởng, khi tất cả kỹ thuật đều được sử dụng cho từng tác vụ một cách thuận lợi, không có rào cản hay hạn chế nào, chắc hẳn giải pháp được đưa ra sẽ cực kỳ hiệu quả và thành công mỹ mãn!
Thế nhưng thực tế không có gì là hoàn hảo cả, sẽ luôn có những rào cản, khó khăn khiến BA không thể phát huy hết tác dụng của các kỹ thuật trên. Khi đó BA cần làm gì? Đó chính là lúc các kỹ năng mềm toả sáng. Loạt bài sau sẽ nói rõ hơn về các kỹ năng hữu ích này.
IABA mang đến từng phần nho nhỏ trong khối kiến thức khổng lồ của BA, dưới dạng các infographic ngắn gọn dễ hiểu, để các bạn nắm bắt thông tin nhanh chóng và có thể áp dụng được vào công việc, cuộc sống của mình!
Comments