top of page
Writer's pictureBlog IABA

Các bước chuẩn bị để tiếp nhận công việc BA

Có câu nói: May mắn không tự nhiên đến với bất cứ ai, mà nó chỉ đến với những người đã có sự chuẩn bị. Nếu muốn có được một điều gì đó tốt đẹp, chúng ta phải làm cho mình phù hợp để có thể đón nhận và giữ được nó lâu dài. Ví dụ nếu muốn có thật nhiều tiền, các tỷ phú đã phải học cách đầu tư và kinh doanh từ trước khi họ có tiền, nếu không dù trúng số thì họ cũng phá sản ngay. Nếu muốn có một người vợ lý tưởng xinh đẹp đảm đang, người chồng đã phải là một người tốt từ trước, biết chăm sóc bản thân và chăm lo cho gia đình, nếu không chẳng người nào vừa xinh vừa đảm lại đi yêu một người lười biếng, ích kỷ, chứ đừng nói sống nổi với nhau lâu dài.

Tương tự như vậy, nếu muốn có được một công việc tốt ở một công ty tốt, ở đây là vị trí BA ở một công ty công nghệ đa quốc gia lương tháng ngàn đô chẳng hạn, thì chúng ta cũng phải chuẩn bị trước để “gặp được là duyên, làm được mới là định mệnh”.

Đến đây, nhiều bạn có thể thấy lo lắng, vì thoạt trông cái profile của mình hiện tại chẳng có vẻ gì giống BA cả, nhất là các bạn mới chuyển từ ngành khác qua. Không sao cả, không ai sinh ra đã là BA, nhưng có thể bạn đã cóp nhặt được những tố chất BA trong những năm qua mà không hề hay biết. Giờ là lúc chúng ta ngồi lại nhìn vào kinh nghiệm và kỹ năng của mình để lọc tìm lại những điểm quan trọng đó.

* Kinh nghiệm

Trước đây bạn đã làm những công việc gì? Có giao tiếp với mọi người nhiều không? Có soạn thảo tài liệu, viết, vẽ, tính toán gì không? Có giải thích cho người khác hiểu điều gì không? Có lập kế hoạch, quản lý thời gian để hoàn thành công việc, rồi báo cáo, phân tích, đánh giá không? Có đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề không? Có góp phần làm cho khách hàng của mình hài lòng, làm bộ phận, công ty của mình tăng doanh thu hay tăng hiệu quả không? Dù làm công việc gì, chỉ cần bạn đã trải qua những kinh nghiệm trên, bạn đã là một BA tiềm năng rồi.

* Kỹ năng

Những công việc cũ đã cho bạn cơ hội rèn luyện những kỹ năng gì? Lắng nghe, nói trước đám đông, tư vấn, đọc tài liệu, phân tích dữ liệu, viết văn bản, thiết kế đồ hoạ, ngoại ngữ, tổ chức cuộc họp, bán hàng, mua hàng, thuyết trình, chăm sóc khách hàng, điều phối dự án, thương thảo hợp đồng, dạy học, tự học…? Công việc BA đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm phối hợp mà chúng ta đã có sau quá trình lăn lộn ở trường đời.


* Một profile phù hợp với BA

Từ các kinh nghiệm, kỹ năng trên, hãy dùng ngôn ngữ của BA để chuyển profile của bạn thành profile của một BA tiềm năng. Ngôn ngữ của BA là “problem solving”, “analytical thinking”, “business knowledge”, “working with systems”, “creating visuals”, “collaborating with Stakeholders”... Thậm chí kể cả khi bạn chưa từng làm BA, thì title của bạn trên CV vẫn có thể là một từ liên quan như Project coordinator, Process analyst, Business partner, miễn sao có liên quan tới công việc cũ của bạn.


* Xuất hiện ở những nơi các BA thường lui tới

Các trang tuyển dụng IT, các group của BA trên mạng xã hội… Xuất hiện ở đây không nhất thiết là chúng ta phải đăng bài, comment, bắt chuyện, mà quan trọng là làm sao để mình tìm thấy nhà tuyển dụng và để họ tìm được mình. Upload CV có nhiều từ khoá liên quan đến BA và thường xuyên gửi mail cho các HR post bài tuyển dụng sẽ làm tăng cơ hội được lựa chọn.


* Lựa chọn

Cơ hội được lựa chọn ở mục trên không chỉ dành cho nhà tuyển dụng, mà chính chúng ta cũng được chọn, và phải chọn cẩn thận nơi làm việc tương lai của mình. Hiện nay có rất nhiều công ty đăng tuyển BA, có tập đoàn lớn, có công ty nhỏ, có châu Âu, châu Mỹ, châu Á, có doanh nghiệp lâu năm, có start-up mới nổi, có chỗ chuyên về lĩnh vực bảo hiểm, có chỗ chuyên ngân hàng, có chỗ chuyên kế toán…


IABA không có ý kiến công ty nào tốt, công ty nào không, vì theo quan điểm của mình, mỗi công ty có môi trường riêng phù hợp với mỗi người. Nếu trong quá trình tìm hiểu bạn cảm thấy công ty có văn hoá mà mình yêu thích, đáp ứng được những nhu cầu và mục tiêu của mình, thì đó là công ty tốt cho bạn. Vì vậy quá trình tìm hiểu là vô cùng quan trọng. Hãy cố gắng tìm hiểu được nhiều thông tin về công ty nhất có thể, trao đổi kỹ với HR và sếp tương lai để lắng nghe chính mình xem bạn có cảm tình với nơi nào nhất, liệu thiện cảm ban đầu đó có đi cùng với lý trí và thực tế hay không.

* Không cần do dự quá nhiều

Một khi đã có sự kết nối giữa hai bên, có thể trong đầu bạn sẽ xuất hiện nhiều lo lắng. Liệu mình có làm được công việc mới này không? Liệu những đồng nghiệp mới có khó chịu với mình? Liệu công ty này có thực sự tốt? Liệu sau này mình có hối hận vì đã lãng phí thời gian ở đây? Đó là những nỗi ngờ vực rất bình thường mà ai cũng từng có khi sắp bước vào một môi trường mới. Điều đó giúp chúng ta thận trọng và tỉnh táo khi đưa ra mỗi quyết định quan trọng.


Thế nhưng cuộc phiêu lưu nào mà không có thử thách, và nếu chỉ làm hoài một công việc an toàn và ổn định thì còn gì thú vị? Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng bất an, hãy nhớ rằng mỗi lần nhảy việc là một lần chúng ta trở nên tốt hơn, không phải mức lương cao hơn thì cũng là môi trường tốt hơn, kỹ năng cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Kể cả nếu nhảy việc thất bại, thì chúng ta vẫn học được từ đó, và có thể làm tốt hơn ở lần sau. Nếu không có lần thất bại đó thì có lẽ ta vẫn còn đang làm những công việc khác, hài lòng với cuộc sống tạm ổn, chứ đã không quyết tâm phấn đấu đến bây giờ. Chúng ta đã dám thay đổi, dám nỗ lực, vì vậy hãy tin vào tương lai tươi sáng phía trước, tin vào chính mình, cũng như công ty mới đã tin chọn bạn.


Cuối cùng, IABA muốn chia sẻ rằng không có sự hoàn hảo 100%. Mô tả công việc mới nhiều khi chỉ khớp 50-60% với hồ sơ của chúng ta, nhưng biết đâu khi gặp mặt nhà tuyển dụng, bạn lại là người họ lựa chọn. Hãy cứ bắt lấy cơ hội khi có thể. Một khi đã chuẩn bị sẵn sàng, may mắn sẽ đến.


0 comments

Comments


bottom of page