Tiếp nối chuỗi bài viết về các perspective - các kiểu dự án mà BA tham gia, lần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một trường phái nghe thật hoành tráng - Business Architecture!
Architecture là kiến trúc, kết cấu, bắt nguồn từ các công trình xây dựng, có trần, sàn, cửa, vách, phòng, toà nhà… hữu hình. Đó là architecture trong xây dựng. Architecture trong Business thì vô hình và trừu tượng, là cơ cấu tổ chức phòng ban công ty, mô hình hoạt động kinh doanh, cách phân công công việc, trách nhiệm, quyền hạn giữa các nhóm thành viên trong tổ chức, các cấp từ nhân viên đến quản lý, giám đốc, cách thức vận hành, ra quyết định, mục tiêu chiến lược… Tóm lại là những bộ phận trong kết cấu của một công ty.
Bản chất của một dự án mà BA tham gia là một sự thay đổi, và dự án có điểm nhìn là Business Architecture thì bản chất là sự thay đổi cấu trúc công ty. Một ví dụ đơn giản là khi một công ty quy mô nhỏ đã đạt đến độ chín nhất định, muốn mở rộng quy mô thành một công ty lớn, thì cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động phải thay đổi cho phù hợp với mục tiêu mới, chiến lược mới. Thực hiện sự thay đổi này không đơn giản, có thể ảnh hưởng tới toàn bộ người trong công ty. Họ có thể thấy không quen, không thoải mái, khó chịu, chống đối những quy định, chính sách, hệ thống, cách làm mới, muốn ổn định với những thói quen cũ, lợi ích cũ. Công việc của BA chính là giúp các chủ doanh nghiệp vượt qua cái khó này để thay đổi, phát triển thành công.
Đối với nhiệm vụ cao cả như vậy, BA của một dự án Business Architecture cũng phải có kỹ năng chính trị, vận động hành lang các kiểu, không là lãnh đạo cấp cao thì cũng phải là người có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói, am hiểu văn hoá công ty hơn ai hết. Đi kèm với một title quyền lực là các kỹ thuật, kỹ năng điêu luyện. Các kỹ thuật đó sẽ có trong các bài viết sau của IABA.
Trong thế giới kinh doanh đã có những case chuyển mình nổi đình nổi đám như Microsoft, Apple, Facebook, cũng có những đại gia nổi tiếng vì... không chuyển mình nổi như Nokia, Yahoo, Kodak… giờ chỉ còn là huyền thoại. Điều đó cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của sự thay đổi, mà chất xúc tác chính là những dự án Business Architecture hiệu quả, những người làm BA bắc cầu cho sự đổi mới có tâm, có tầm, và có can đảm.
IABA mang đến từng phần nho nhỏ trong khối kiến thức khổng lồ của BA, dưới dạng các infographic ngắn gọn dễ hiểu, để các bạn nắm bắt thông tin nhanh chóng và có thể áp dụng được vào công việc, cuộc sống của mình!
Comments