top of page
Writer's pictureBlog IABA

Các app hỗ trợ tự học BA hiệu quả

Trong bài trước nói về phương pháp tự học BA mình có nhắc đến cách học sao cho dễ hiểu, dễ thuộc, nhớ lâu. Qua thời gian tự học, tự tìm hiểu, dùng thử nhiều công cụ khác nhau, mình đã thu thập được một số app/ web/ phần mềm rất hiệu quả các bạn có thể sử dụng.


1. Tạo flashcards: StudyStack, Quizlet Việc học thuật ngữ chuyên ngành thông qua các bộ flashcards rất hữu ích. Thứ nhất, chúng ta có thể lưu lại danh sách các keyterms, keywords trong ngành trên app điện thoại để luôn dễ dàng lôi ra... xem chơi khi rảnh. Thứ hai, để tăng cường trí nhớ của mình, chúng ta có thể chọn nhiều game như Matching, Hangman, Crossword, Hungry Bug trên StudyStack để vừa học vừa giải trí. Thứ ba, khi cần ôn thi, chúng ta có thể dùng chế độ Quiz, Test để làm bài thi thử từ chính bộ đề tự trộn của mình (Quizlet trộn đề khó phết đấy!).


Đến nay mình thấy 2 app này là ổn nhất và đủ dùng rồi. StudyStack có nhiều game dễ học còn Quizlet hỗ trợ ôn thi và test thử hiệu quả. Trong quá trình đọc BABOK, các bạn có thể lưu các thuật ngữ và khái niệm cần nhớ vào file Word, rồi upload nhanh lên website của StudyStack và Quizlet. Cả hai ứng dụng đều cho phép upload file. Sau khi save bộ flashcards vừa tạo, bạn có thể xem lại trên app.

Để tăng độ khó cho game, mình còn tạo mấy bộ flashcards từ các mindmap đã vẽ để trộn đề test trên Quizlet. Kết quả ra mấy trăm câu multi-choice không thua gì đề của IIBA (thật, tỷ lệ trả lời đúng trên Quizlet của mình còn thấp hơn khi thi thật mà). Còn mindmap lấy từ đâu thì cùng qua phần tiếp theo.


2. Vẽ mindmap: SimpleMind, Mindmanager, IMindmap Có rất nhiều phần mềm vẽ mindmap cho các bạn thoải mái dùng thử xem cái nào phù hợp nhất với mình, nhớ là phải test thử nhé vì nhiều phần mềm “free” bị giới hạn số file, số nhánh, muốn tạo thêm phải trả tiền. Nếu bạn thích đơn giản thì chỉ cần ứng dụng có vài theme cơ bản, cho phép chọn màu phân biệt các nhánh, xuất được file pdf là ok.


Lúc trước mình dùng Mindmanager trên Win, IMindmap trên Mac và rất hài lòng. Bạn nào muốn vẽ trên điện thoại có thể dùng SimpleMind. Trên mạng có nhiều trang hướng dẫn tải và cài đặt các phần mềm này miễn phí (lưu ý chỉ dành cho đối tượng học viên nghèo vượt khó, dùng máy cá nhân, không dùng máy công ty nhé :))) ).


Mindmap dễ dàng ghi lại dàn ý các chương BABOK một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Một đoạn văn dài có thể breakdown thành các nhánh liên quan với nhau, mỗi nhánh chắt lọc lại 1-2 keyterm/ keyword. Chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng thể, mục nào nằm trong phần nào, các mục giống và khác gì nhau, bản chất gồm những gì… Bạn cũng có thể thêm hình vẽ, biểu tượng để ghi nhớ trực quan hơn.


3. Tạo matrix, table: Word, Excel Tưởng không dễ mà dễ không tưởng, một phần quan trọng các tài liệu tự học BA lại được tạo ra từ hai ứng dụng kinh điển là Word và Excel. Cho tới giờ khi đã làm BA, mình vẫn thấy đại đa số các tài liệu đặc tả và thiết kế của các BA đều là file Microsoft Office. Những ứng dụng toàn chữ và số này thực ra cũng có thể tạo nên những ghi chú rất dễ nhìn. Bảng biểu chính là một trong số đó. Matrix (ma trận) và Table đều là bảng biểu, có các cột và dòng. Khác ở chỗ Table dùng để liệt kê (ví dụ list các thuật ngữ và định nghĩa), còn Matrix dùng để so sánh đối chiếu (ví dụ vai trò của các bên liên quan trong khâu lập kế hoạch là gì, khâu khảo sát là gì… có gì giống và khác nhau).


Đã là bảng biểu thì có thể dùng Word và Excel để lập, tóm lược nội dung cô đọng súc tích, format cho đẹp là dùng được rồi.


4. Thiết kế infographic, visual: Canva Các bạn yêu thích graphic design, thích biểu đồ, lưu đồ, infographic, gu thẩm mỹ cao thì có thể dùng Canva cho nhanh (Photoshop hay AI cũng tốt nếu bạn quen xài). IIBA mới ra cuốn BABOK Visual Guide, là bản trực quan hoá của BABOK, chứng tỏ việc học thông qua hình ảnh và đồ thị luôn hiệu quả hơn chữ viết. Thế nhưng, việc tự tạo ra bản visual guide “Handmade” của chính mình vẫn là cách thú vị hơn, tiết kiệm hơn, nhớ lâu hơn, đồng thời luyện thêm được kỹ năng thiết kế để sau này làm BA truyền đạt và giao tiếp với người khác hiệu quả hơn. Vì vậy chúng ta vẫn nên rèn luyện tư duy sáng tạo bằng những “tác phẩm” nho nhỏ này. Quá trình kéo thả, căn chỉnh, đánh máy, chọn màu, chọn hiệu ứng cũng sẽ khắc sâu thêm những thông tin, kiến thức trong bản thiết kế vào trí nhớ của chúng ta.


5. Thư viện lưu trữ tài liệu: Google Drive, Onedrive Các tài liệu tải về hoặc tự tạo cần một nơi để lưu trữ, tìm, xem và sửa lại dễ dàng. Đến nay thì Google Drive và Onedrive vẫn là những nền tảng tốt nhất cho nhu cầu này. Bạn có thể đồng bộ với máy tính, điện thoại, dung lượng lưu trữ lớn, cập nhật file, backup file, share file, tải file. Dù máy tính có không may bị sự cố cũng không lo mất dữ liệu.


Trên đây là các công cụ hỗ trợ để tự học nói chung và tự học ECBA nói riêng hiệu quả. Ngoài các ứng dụng phần mềm thì những vật dụng hữu hình như cuốn sổ tay, cây viết, quyển sketchnote cũng là lựa chọn tuyệt vời. Mong rằng những người bạn đồng hành này sẽ giúp các bạn đạt được mục tiêu của mình.

0 comments

Commenti


bottom of page