Bài trước chúng ta đã cùng tìm hiểu về các perspectives - các trường phái, phong cách triển khai dự án. Tiếp theo hãy cùng đi sâu tìm hiểu về mỗi perspective, đầu tiên là Agile.
Đúng như tên gọi, Agile là phong cách làm việc với tiết tấu nhanh lẹ, linh hoạt, đáp ứng mọi biến hoá của thế giới. Phong cách này được dân dự án “phát minh” ra để đỡ lại những vị khách cứ thay đổi yêu cầu liên tục, vì bản thân họ cũng chưa biết chắc mình muốn gì, mọi thứ đều chỉ là một thử nghiệm, là vẽ thêm màu mè hoặc xoá đi vẽ lại trước khi tìm ra một sản phẩm ưng ý (sau đó lại vẽ tiếp).
Vì phải đáp ứng sự thay đổi xoành xoạch như vậy nên Agile đề cao sự tối giản, bỏ hết những lễ tiết rườm rà formal, chỉ để lại những thông tin được thể hiện một cách cô đọng, súc tích, đủ hiểu. Báo cáo hay đặc tả yêu cầu không còn mớ thuyết minh dạng chữ dày đặc nữa, mà chỉ là vài slide trình chiếu với hình minh hoạ vẽ tay chụp lại paste vô. BA cần phải và buộc phải truyền tải lượng thông tin lớn hơn một cách nhanh chóng hơn, ngắn gọn hơn, hiệu quả hơn, vì cả BA, người gửi và người nhận thông tin đều không có nhiều thời gian giữa các cuộc họp liên tục nối tiếp nhau, hết phase này đến phase khác, hết scrum này đến scrum khác, release này đến release khác...
Cũng vì đặc tính họp liên tục, nên Agile thường đi liền với các từ collaboration, communication, engagement. Hiểu đơn giản Agile là họp, họp và họp, và BA thì đồng nghiệp bảo là “chỉ có ăn với họp” (tất nhiên để có cái mà họp thì BA cũng phải làm bã người ra, nhưng ít ai hiểu). Họp để làm gì? Chủ yếu để review các phiên bản, xem chỗ nào chưa ổn để sửa, lần sau lại review tiếp.
Đặc tính nữa của Agile là sự thích nghi. Kế hoạch kiểu truyền thống là để bám theo, có giá nào cũng không thay đổi. Kế hoạch của Agile lại mềm dẻo, lập ra là để thay đổi, thay đổi một cách có tính toán. Thế nên hầu hết trường hợp, kế hoạch cuối cùng của dự án kiểu Agile với cái kế hoạch ban đầu chẳng có điểm nào giống nhau, chỉ trừ mỗi ngày kick-off, và ngày hand-over nếu hên.
Kho bí kíp của Agile cũng nhiều phép biến hoá thần thông rất phong phú để phục vụ các BA làm nhiệm vụ. Mọi người có thể tham khảo trong bài Các kỹ thuật dùng trong trường phái Agile.
Ngoài Agile, chúng ta còn có 4 trường phái lớn khác để lựa chọn. Cùng theo dõi các bài viết tiếp theo nhé!
IABA mang đến từng phần nho nhỏ trong khối kiến thức khổng lồ của BA, dưới dạng các infographic ngắn gọn dễ hiểu, để các bạn nắm bắt thông tin nhanh chóng và có thể áp dụng được vào công việc, cuộc sống của mình!
Bình luận